Nối tiếp phim Gia đình mình vui bất thình lình,Không ngại cưới, chỉ cần một lý do là bộ phim thu hút sự quan tâm của khán giả. Phim kể về Yến (Hoàng Thùy Linh) và Đông (Trọng Lân) – hai anh em trong một gia đình có điều kiện ở nông thôn, đều quá tuổi lập gia đình nhưng vẫn độc thân.
Yến – một sếp nữ “ác ma”, một mình bươn chải để có được vị trí như hiện tại khiến cô có những tiêu chí cao đến mức bất khả thi để chọn bạn đời. Trái với Yến, Đông là một thiếu gia làng, sống không cần ước mơ, không khát vọng và đặc biệt tuyên bố không kết hôn. Anh chỉ cần sống khoẻ, không vi phạm pháp luật và chờ đến ngày được tiêu số tiền mình được thừa kế. Cách sống có phần ích kỷ, vô trách nhiệm của Đông nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Chỉ yêu chứ không cưới: Nam chính trong phim mới của Hoàng Thùy Linh bị chê vô tâm, ích kỷ
Sau khi phát sóng 2 tập đầu, bộ phim Không ngại cưới, chỉ cần một lý do với sự tham gia của Hoàng Thùy Linh, Nhan Phúc Vinh, Trọng Lân và Quỳnh Lương nhận nhiều phản hồi tích cực từ công chúng.
Tuy nhiên, bên cạnh lời khen ngợi, vẫn có những ý kiến cho rằng tình tiết phim đang bị làm quá và trở nên dài dòng. Đặc biệt, một số lời thoại của nhân vật Đông (do Trọng Lân thủ vai) đang gây ra tranh cãi sôi nổi trên mạng xã hội do mang ý nghĩa tiêu cực.
Ngay từ tập đầu tiên, nhân vật Đông được mô tả là một người đàn ông 30 tuổi không có nghề nghiệp cố định, chỉ ăn, ngủ và đá gà. Đồng thời, Đông tự cho rằng mình giàu có do thừa kế tài sản từ ông nội và xem đó như một loại năng lực.
Điểm tự hào duy nhất của Đông là việc cậu không cần phải cạnh tranh, làm việc chăm chỉ hay gánh vác trách nhiệm với gia đình. Đối với Đông, “nhược điểm” duy nhất của mình là không muốn kết hôn.
Đông là hình mẫu không hiếm gặp trong giới trẻ ngày nay: được bao bọc bởi gia đình, sống thoải mái, không có ước mơ hoặc tầm nhìn về tình yêu và hôn nhân. Thay vì đó, anh chàng chỉ tập trung vào hưởng thụ cá nhân. Tuy nhiên, lời nói và hành động của Đông đã gây ra những tranh cãi, bởi có thể cổ súy cho lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm của giới trẻ.
Cụ thể, một số lời thoại như “Yêu anh anh OK, cưới anh không OK,” “Yêu đương thiếu chuyên nghiệp,” “Đàn bà là giống loài không ổn định” của Đông đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội bởi rất “đời”. Tuy nhiên, những lời thoại này từ nam diễn viên Trọng Lân cũng đã gây ra nhiều tranh cãi, bởi chúng có thể coi là khích lệ cho lối sống ích kỷ, thực dụng và vô trách nhiệm đối với người khác.
Vì sao giới trẻ ngày càng ngại kết hôn?
Theo thống kê, tại Úc và New Zealand, cứ 7 phụ nữ, có một người ở độ tuổi 45-49 chưa kết hôn. Còn ở Mỹ, khoảng 25% thanh niên hiện nay được dự báo có khả năng vẫn sẽ độc thân khi chạm ngưỡng 50 tuổi. Trong khi đó, tại Nhật Bản, khoảng 1/3 số phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn và nhiều khả năng 50% trong số họ sẽ sống độc thân cả đời.
Những số liệu trên cho thấy độc thân và tuổi kết hôn tăng cao đang là hiện tượng khá phổ biến trên toàn cầu. Ở Việt Nam, tuổi kết hôn trung bình lần đầu hiện nay là 25,2 (tăng 0,7 tuổi so với thập niên trước).
Theo đó, ưu tiên phát triển bản thân, chú trọng sự nghiệp, sợ thiếu tự do và trách nhiệm trong hôn nhân, lo lắng về việc nuôi dạy con cái, cũng như ảnh hưởng từ các câu chuyện đổ vỡ… là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ ngày càng không “mặn mà” với chuyện kết hôn.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hôn nhân đúng nghĩa là khởi đầu cho những trải nghiệm mới, điều quan trọng là gỡ bỏ những định kiến như “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Thay vào đó, chồng cũng có thể làm nội trợ nếu họ muốn còn vợ vẫn có cơ hội phát triển sự nghiệp thành công. Từ đó, hôn nhân bền vững hơn khi chính những người trong cuộc được tự do lựa chọn vai trò trong gia đình của mình.
Khánh An (Tổng hợp)