Ghen tị với hạnh phúc của người khác rồi lại hả hê khi thấy họ thất bại? Bạn có từng có cảm giác đó, dù chỉ một chút? Tại sao chúng ta biết rõ đó là thói xấu mà vẫn không tránh khỏi những cảm xúc xấu xí này?
Có một kiểu vui gọi là “vui trên nỗi đau của người khác”
Việc buôn chuyện, tán gẫu là thú vui không thể thiếu của hội chị em, nhưng vui thôi chưa đủ, nhiều người còn vui trên nỗi đau của người khác. Đó là khi họ nói về tin tức ly hôn của một cặp đôi nổi tiếng nào đó. Tin ly hôn của người nổi tiếng luôn là kiểu nội dung hấp dẫn người đọc nhất, nó thậm chí còn gây chấn động hơn cả tin về những “đám cưới thế kỷ”. Quần chúng lót dép hóng bình luận, tưởng ngôn tình thế nào, lên mạng nói đạo lý dạy cách yêu đương ra sao, hóa ra mãi mãi cũng chẳng qua nổi vài năm.
Rồi từ chuyện những người nổi tiếng, họ bắt đầu nói về những người xung quanh mình. Chuyện con A lấy được chồng giàu thế nào, rồi bị chồng cắm sừng ra sao, giờ chuẩn bị làm đơn ra tòa rồi. Cuộc tán gẫu tưởng như vô thưởng, vô phạt lại trở thành cuộc nói xấu hội đồng sau lưng ai đó, trong lòng ngấm ngầm ganh đua, so sánh lẫn nhau.
Tại sao sự chia ly, bất hạnh của người này lại có thể khiến người khác vui mừng, hả hê đến thế? Phải chăng khi thấy người khác bất hạnh hơn, họ như được xoa dịu phần nào cho cuộc sống không hạnh phúc của mình? Những người đã có chồng con, khi thấy người khác ly hôn bèn cảm thấy cuộc sống của mình vẫn còn tốt chán, dù có thể họ cũng chẳng mấy hạnh phúc trong mối quan hệ của mình. Những người đã từng trải qua hôn nhân đổ vỡ, lẽ ra phải cảm thông với những người cùng cảnh ngộ, nhưng họ lại thấy nhẹ lòng khi thấy người khác cũng trắc trở giống mình. Những người độc thân (một cách không chủ động) thì cảm thấy “may mắn” vì mình chưa phải trải qua cuộc sống hôn nhân, rồi ly hôn phức tạp.
Nói chung, dù ở hoàn cảnh nào, người ta vẫn luôn có lý do để so sánh bản thân với người khác với tâm lý, nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống nhất định phải có ai đó khổ hơn mình thì mới nhẹ lòng.
Tại sao người ta dễ ghen tị với hạnh phúc của người khác và lấy thất bại của người khác làm niềm vui?
Có lẽ bởi chúng ta được sinh và là lớn lên trong một nền văn hóa không ngừng khuyến khích sự so sánh, ghen tị, ganh đua lẫn nhau, đặc biệt là phụ nữ. Không chỉ so sánh về ngoại hình, sự đảm đang, tháo vát, người ta còn đem cả “tấm chồng” ra để so. Với tâm lý “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, người đàn ông được đem ra làm thước đo cho hạnh phúc, thành công của một người phụ nữ. Ai tốt số thì gặp được người chồng giàu có, yêu thương, chiều chuộng. Đồng nghĩa với việc những người từng đổ vỡ hôn nhân hay độc thân sẽ bị coi là người phụ nữ thất bại. Điều đó khiến người ta hình thành tâm lý luôn ngấm ngầm so sánh lẫn nhau, và hạ bệ người khác xuống là cách để họ cảm thấy tốt hơn.
Sự so sánh và nói xấu lẫn nhau không chỉ xuất hiện trong những cuộc buôn chuyện mà ngay cả những trang tin cũng hay khai thác tin tức đời tư nghệ sĩ và đăng những bài so sánh một cách thiếu tích cực. Chẳng hạn với tin Hyun Bin và Son Ye Jin làm đám cưới, vốn chẳng liên quan gì đến Song Hye Kyo song tên của cô vẫn bị nhắc tới. Cả Son Ye Jin và Song Hye Kyo đều là những minh tinh nổi tiếng, Hyun Bin lại từng hẹn hò với Song Hye Kyo. Vì vậy mới có bài viết so sánh rằng trong khi Hyun Bin và Son Ye Jin hạnh phúc viên mãn thì Song Hye Kyo lại ly hôn ồn ào, đóng phim nào flop phim đấy. Trong khi Song Hye Kyo và Song Joong Ki ly hôn trong êm đẹp và đã bước tiếp từ lâu thì nhiều trang tin vẫn không ngừng mổ xẻ đời tư của họ và đăng những bài so sánh phiến diện.
Quần chúng đọc báo rồi xì xầm buôn chuyện, tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng thực ra họ đang ngấm ngầm gieo vào đầu mình hạt giống của sự so sánh, ghen tị. Mạng xã hội cũng là một nơi khiến người ta không ngừng so sánh lẫn nhau, dù không chủ ý. Bởi đó là sân khấu để ai cũng có thể phô ra những mặt tích cực, đẹp đẽ nhất của bản thân. Để rồi nhiều người hả hê khi thấy người khác bất hạnh và hậm hực khi thấy ai đó thành công, hạnh phúc hơn mình.
Làm sao để sống hạnh phúc hơn mà không cần phải sân si với người khác?
Thực ra việc so sánh và ghen tị là một trạng thái tâm lý bình thường mà hầu như ai cũng có, chỉ có điều mức độ ra sao và nó ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào. Với nhiều người, đó chỉ là cảm xúc thoáng qua và họ nhanh chóng quên đi để tập trung vào cuộc sống của bản thân. Nhưng có người lại mắc kẹt trong những sự ghen tị, khiến họ trở nên khổ sở, hằn học. Nếu bạn từng ghen ghét, đố kỵ với người khác hay hả hê khi ai đó thất bại cũng không sao cả. Thay vì phủ nhận nó thì việc thừa nhận mình đang xấu tính sẽ tốt hơn cho việc điều chỉnh lại nhận thức và hành vi. Ngay cả những bậc tu hành cũng phải mất nhiều năm rèn luyện mới loại bỏ được tham, sân, si trong tâm tính nên việc mình vẫn còn những tính xấu cũng là điều bình thường thôi.
Bạn nên nhớ rằng người khác sống như thế nào, hạnh phúc hay khổ đau cũng không liên quan đến mình. Bạn vẫn phải sống cuộc đời của mình và có thể khiến bản thân hạnh phúc hơn thay vì cứ sân si với chuyện của người khác. Nếu bị mắc kẹt giữa một hội nhóm đang xì xào bàn tán những điều không hay về một nhân vật nào đó không có mặt, bạn có quyền tách mình ra khỏi đó, từ chối tiếp nhận những nguồn năng lượng tiêu cực từ họ.
Không ai có cuộc sống hạnh phúc mà lại đi ghen tị, đố kỵ và cười khẩy trên nỗi đau của người khác. Sở dĩ người ta xấu tính với người khác vì bản thân họ thiếu tự tin, không hạnh phúc mà thôi.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm