Qua lại với người tích cực sẽ giúp bạn thăng hoa, còn những người tiêu cực sẽ chỉ mang lại cho bạn muộn phiền, không nên gần gũi. Có 3 kiểu người dưới đây bạn cần cân nhắc khi giao tiếp:
Người hay than vãn, oán trách người khác thường mang theo năng lượng tiêu cực
Những người này khi gặp chuyện gì thì họ cũng có thói quen suy nghĩ theo hướng tiêu cực, lời nói của họ cũng tràn đầy năng lượng không tốt. Sau khi trút bầu tâm sự thì tâm trạng của họ sẽ thoải mái nhất thời, nhưng khiến tâm trạng của người nghe trở nên nặng nề. Bất kỳ ai ở gần họ cũng đều cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Người xưa nói: “Đời người 10 việc thì 9 việc không như ý”. Những người sống hạnh phúc không phải vì cuộc sống của họ thuận buồm xuôi gió, mà vì tâm lý của họ lạc quan. Với tâm thái như vậy, ngay cả khi gặp những điều trái ý, họ cũng có thể xử lý chúng một cách ổn thỏa. Hãy gần gũi với những người có năng lượng tích cực và bạn sẽ được bao quanh bởi ánh nắng mặt trời. Nếu bạn muốn thực hiện lý tưởng và mục tiêu của mình, xung quanh bạn phải có một nhóm người cùng chí hướng, họ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn khi tinh thần của bạn bị sa sút, như vậy bạn mới có thể tiến xa trên con đường thành công.
Những người luôn thích đề cao bản thân thông qua việc tranh luận với người khác
Mỗi người đều có cách nhìn nhận vấn đề của riêng mình, cho nên kết luận rút ra đương nhiên sẽ khác nhau. Trong mắt những người thích tranh luận, chỉ có chiến thắng người khác mới có thể khiến người khác khâm phục mình. Việc tranh luận vốn không sai, nhưng tranh luận chỉ để chiến thắng người khác thì sẽ mất đi ý nghĩa của tranh luận. Những người thực sự giỏi họ thường tránh xa tranh luận. Bởi họ sẽ không lãng phí thời gian và sức lực vào những chuyện vô nghĩa. Thành tựu của một người không phải là chiến thắng trong các cuộc tranh luận, mà là có thể hiểu và chấp nhận sự khác biệt của tất cả mọi người. Từ đó mới có thể nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ từ nhiều người hơn.
Người hay nói lời đường mật để lấy lòng người khác
Khổng Tử nói: “Xảo ngôn thì màu mè, hiếm có lòng nhân”. Những người như vậy thường được cho là đạo đức giả. Mọi người đều thích nghe những lời dễ chịu, êm tai, nhưng những người giỏi nói những lời dễ chịu thường là những người không đáng tin cậy nhất. Những người đạo đức giả thường nói “tiền không phải là vấn đề”, nhưng chỉ khi có chuyện cần nhờ đến tiền của họ thật, thì họ mới lộ rõ sự keo kiệt và giả tạo của mình. Vậy mới có câu: “Tiền là đá thử vàng tốt nhất cho lòng người”.
Những người đạo đức giả thường thể hiện rằng họ có khả năng. Tuy nhiên, khi thực sự cần thực hiện lời hứa của mình, họ sẽ tìm đủ mọi cớ để trốn tránh, cuối cùng chỉ có thể cho qua. Sở dĩ họ hứa hẹn với người khác một cách hào phóng như vậy bởi một phần cũng là do họ không có ý định thực hiện lời hứa ngay từ đầu. Mặt khác, họ muốn lừa gạt lòng tốt của đối phương để đối phương có thể giúp mình trước. Bạn bè không cần nhiều mà cần chất lượng, một người bạn chân chính còn hơn vạn người bạn rượu thịt. Nếu đời này có thể tìm thấy một người bạn cùng chung chí hướng thì đó chính là phước lành lớn.
Tục ngữ còn có câu: “Biết người, biết mặt, khó biết lòng”. Hy vọng bài viết một phần nào đấy có thể giúp bạn nhận ra người nào nên kết giao, người nào cần giữ khoảng cách. Mong cho mọi người luôn tìm được những người bạn chân chính trong suốt chặng đường đời!
Đông Miên (Tổng hợp)/ Tham khảo Sohu
Ảnh: Sưu tầm